Thế nào là ĐA NHIỆM
Nhân Sự Nhà Máy Blogs: Phần 1
Thế nào là ĐA NHIỆM

Nói về Multitasking - Đa nhiệm

"Em là người có khả năng đa nhiệm"

Chúng ta vẫn thường nghe Ứng viên tự hào nhận xét về bản thân mình nhưng liệu rằng chúng ta đã hiểu đúng về "đa nhiệm"?

Trước tiên, hãy hiểu về đa nhiệm?

"Dĩ nhiên, đó là bạn có thể làm được nhiều việc cùng một lúc" - Đa số mọi người sẽ nghĩ vậy khi được hỏi về "đa nhiệm"
Tuy nhiên, con người không phải là máy tính để có thể xử lý cùng lúc nhiều tác vụ và thật ra máy tính cũng không thể làm nhiều việc cùng lúc, các tác vụ vẫn được giải quyết tuần tự nhưng ở tốc độ quá nhanh khiến ta cảm thấy như chúng đang được xử lý đồng thời.

Cũng vì chúng ta không phải là máy tính, nên đây là cách hầu hết những người tuyên bố họ "đa nhiệm" giỏi đang làm:

  • Họ xác định nhiệm vụ cần làm.
  • Họ bắt đầu, chuyển và đổi trọng tâm trong tiềm thức những việc cần làm.
  • Với mỗi lần thay đổi, họ mất tập trung và dần rời xa phương hướng đã định ban đầu

Dễ hiểu hơn một tí, bạn vừa trả lời một email quan trọng trong vẻ mặt cáu kỉnh vì nghĩ tới khách hàng khó tính sáng nay và vẫn đang cố hỗ trợ cho cấp dưới về một dự án mới. Cuối cùng, bạn nhấn gửi và chợt nhận ra đã gõ nhầm tên khách hàng!!!

Thế nào là ĐA NHIỆM

Vậy "đa nhiệm" theo cách trước đây bạn vẫn hiểu và làm có hại gì ?

Giáo sư Strayer thuộc bộ môn tâm lý học của Đại học Utah (Mỹ) cho biết với phần lớn người bình thường: “não bộ không thể xử lý được lượng thông tin quá nhiều từ các tác vụ” và theo nghiên cứu cho thấy chỉ có 2% người là có thể đa nhiệm mà mang lại hiệu quả tốt.

Brian Tracy, chuyên gia về phát triển bản thân và kinh doanh , tác giả cuốn sách về hiệu suất nổi tiếng “Eat that Frog” cũng chỉ ra rằng thay vì tiết kiệm thời gian , làm việc đa nhiệm sẽ khiến năng suất lao động của bất kỳ ai giảm tới 40%.

Năm 2011, nghiên cứu của đại học California đã cho thấy việc thay đổi liên tục sẽ gây ảnh hưởng đến vùng nhớ thông tin tạm thời của não. Điều này dễ dẫn đến chứng đãng trí khi về già.

Vậy thật sự đa nhiệm là gì?

Đa nhiệm là khi bạn có thể đảm nhiệm nhiều vai trò trong cuộc sống và giữ chúng hoàn toàn tách biệt với nhau. Đó bạn vừa giữ vai trò làm sếp ở công ty, vừa làm người phụ nữ của gia đình.

Thực tế thì hầu như bất kỳ ai cũng có thể kiêm nhiệm nhiều vai trò nhưng để đánh giá một người có "đa nhiệm" tốt hay không? Hãy nhìn vào thái độ của người đó khi làm mọi việc.

Khi bạn là người đa nhiệm tốt, bạn sẽ có sự sắp xếp, chuẩn bị tốt cho từng công việc và cho cả tâm trí của bạn mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm, tuần tự , việc nào ra việc đó và không để mọi việc xen vào nhau.

Để đa nhiệm tốt?

  • Bạn cần phân chia rõ ràng công việc và chia nhỏ vấn đề cần giải quyết.
  • Xác định thời gian hoàn thành từng công việc.
  • Tập trung hoàn thành từng bước một

Một vài mẹo nhỏ là bạn hãy Giảm số lượng các tab đang chạy trên trình duyệt của bạn. Nếu bạn không thể chịu được khi bỏ thói quen này thì hãy cài đặt chế độ One Tab (Điều này cũng sẽ làm tăng lên đến 95% bộ nhớ trình duyệt của bạn). Và cuối cùng là tắt thông báo của những app như Facebook.

Đừng quá stress vì bạn phải làm rất nhiều việc ở công ty, hãy tập trung làm thật tốt những gì bạn đang làm. Đôi khi có thể bạn làm chậm hơn người khác, nhưng kết quả hoàn thành chỉn chu sẽ tốt hơn là cả núi công việc dang dở. Khi đã trở thành chuyên gia trong lĩnh vực chuyên môn, bạn mới nên bắt đầu mở rộng năng lực của mình bằng những kỹ năng và vai trò khác như kinh doanh, quản lý và lãnh đạo.

Và nếu bạn muốn thăng tiến hơn, hãy sẵn sàng mở lòng đón nhận thêm nhiều trách nhiệm hơn, nhiều vai trò hơn, điều đó sẽ giúp bạn phát triển những kỹ năng, những năng lực mới, trở thành người "đa nhiệm" hơn. Khi đó bạn sẽ là lựa chọn hoàn hảo đối với công ty!