SYMPOSIUM
Trần Nguyên Trung
Năm 2008, tốt nghiệp Thạc sĩ Đại học Osaka (Nhật Bản). Sau 9 năm học tập và làm việc tại Nhật, trở về Việt Nam và gia nhập tập đoàn I-GLOCAL. Hiện nay, đảm nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH I-GLOCAL, chịu trách nhiệm tư vấn cho các doanh nghiệp Nhật ở Việt Nam về đầu tư, quản lý, thuế, kế toán, nhân sự.
TƯ VẤN ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP & BÍ QUYẾT THÀNH CÔNG TẠI DOANH NGHIỆP NHẬT BẢN (Lần 6)

Time: 2014-03-22 09:00:00
Location: Phòng Hội nghị Tập đoàn tư vấn I-Glocal, Tầng 14, Tòa nhà Maritime Bank, 180-192 Nguyễn Công Trứ, Quận 1, TP.HCM


Con đường dẫn đến thành công luôn ẩn dấu nhiều thách thức mà lắm lúc chúng ta cần một nguồn động lực tinh thần và những lời khuyên để vượt qua. Chính vì vậy, thứ bảy 22/3 vừa rồi, hơn 50 anh chị và các bạn đã lựa chọn đến cùng HRnavi và lắng nghe câu chuyện đầy cảm hứng của anh Trần Nguyên Trung – Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH I-GLOCAL về chủ đề thành công tại doanh nghiệp Nhật Bản.
Nguyễn Đình Phúc
Tốt nghiệp Thạc Sĩ Trường Đại Học Kyoto (Nhật Bản). Sau 10 năm học tập và công tác tại Nhật, năm 2006 về Việt Nam công tác tại công ty tư vấn SCS (Việt Nam) Co., Ltd (tiền thân của I-GLOCAL) trên cương vị trưởng đại diện Chi Nhánh Tp. Hồ Chí Minh. Năm 2010, điều hành công ty tư vấn tuyển dụng iGlocal Resource với thương hiệu HRnavi.

Con đường dẫn đến thành công luôn ẩn dấu nhiều thách thức mà lắm lúc chúng ta cần một nguồn động lực tinh thần và những lời khuyên để vượt qua. Chính vì vậy, thứ bảy 22/3 vừa rồi, hơn 50 anh chị và các bạn đã lựa chọn đến cùng HRnavi và lắng nghe câu chuyện đầy cảm hứng của anh Trần Nguyên Trung – Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH I-GLOCAL về chủ đề thành công tại doanh nghiệp Nhật Bản.

Với chất giọng to khỏe, đầy năng lượng, anh Trung mở đầu buổi chuyên đề với những mẩu chuyện nhỏ về quá trình học tập và làm việc của bản thân. Ấn tượng để lại từ phần trò chuyện này là anh thật can đảm và quyết đoán. Tốt nghiệp Thạc sĩ Công nghệ thông tin tại Nhật, có một vị trí tốt đúng với ngành nghề tại một công ty lớn, tuy nhiên anh lựa chọn quay về Việt Nam và bắt đầu một công việc khác với chuyên ngành.

Hoàn toàn thay đổi con đường nghề nghiệp, từ một kỹ sư IT thành người tư vấn đầu tư ở tuổi 29, và 6 năm sau, anh đứng trò chuyện cùng mọi người với tư cách một nhà tư vấn đầu tư chuyên nghiệp, đang đảm nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc Công ty TNHH I-GLOCAL, công ty tư vấn đầu tư, thuế, kế toán lớn nhất trong thị trường Nhật ở Việt Nam.

Phần giới thiệu của anh Trung gợi lên sự tò mò của mọi người, ai cũng chờ đợi xem trong khoảng thời gian 6 năm, anh đã làm việc với suy niệm và thái độ gì, vì đó chắc hẳn là những suy niệm và thái độ đúng đắn, đem đến kết quả tốt đẹp.

Anh Trung tiếp tục với những đặc trưng của văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản, vì theo anh mọi người cần hiểu rõ thì mới thích ứng và phát triển lâu dài được. Tiếp cận chủ đề vô cùng thực tế, yếu tố được anh Trung bàn luận đầu tiên là mức lương. Các doanh nghiệp Nhật Bản thường đề nghị mức lương thấp, và người lao động thường cảm thấy khó chấp nhận, nhất là khi so sánh với mức lương ở các công ty Âu Mỹ cùng ngành. Tuy nhiên, doanh nghiệp Nhật lại đảm bảo được một công việc ổn định, lâu dài. Đi kèm với đó là chế độ đào tạo về cả chuyên môn và kỹ năng. Vì vậy, anh Trung có một lời khuyên đặc biệt dành cho các bạn trẻ, mới tốt nghiệp hoặc có một vài năm kinh nghiệm, rằng các bạn đừng quá bận tâm về mức lương khi mới bắt đầu, mà hãy nắm bắt các cơ hội tại công ty Nhật để có được nền tảng vững chắc cho tương lai.

Nếu so sánh với các công ty Âu Mỹ, doanh nghiệp Nhật còn có những nét đặc thù như rất tôn trọng luật lệ, mệnh lệnh từ cấp trên. Do ảnh hưởng văn hóa nên cách làm việc của nhân viên người Việt có đôi chút tùy hứng. Người Việt cũng không có lối tư duy cống hiến trọn đời cho một doanh nghiệp duy nhất. Vì lý do đó mà họ rất dễ từ bỏ khi có bất đồng với cấp trên. Điều này lại đi ngược với văn hóa doanh nghiệp Nhật, nơi mà trật tự cấp trên – cấp dưới rất rạch ròi. Và vì người đi trước là người dẫn dắt và chịu trách nhiệm cho hậu bối của mình, nên họ được coi trọng và quen với việc ra lệnh, đặt yêu cầu. Anh Trung cho rằng đây là một nét văn hóa đã đi sâu vào tiềm thức mỗi người Nhật, vì vậy khi công tác chúng ta cũng nên lưu ý. Đừng vì những chuyện nhỏ mà có cảm giác không được tôn trọng, hãy bình tĩnh và khéo léo xử lý mâu thuẫn giữa đôi bên.  

Trong một chia sẻ khác, anh Trung có đề cập đến ưu thế của tiếng Nhật. Có thế mạnh về ngôn ngữ hẳn sẽ giúp các bạn dễ tiếp cận và được trao nhiều trọng trách trong doanh nghiệp Nhật. Tuy nhiên, anh Trung lưu ý mỗi chúng ta đừng xem ngôn ngữ là một thế mạnh lâu dài. Thay vào đó, hãy trang bị cho bản thân những kỹ năng và kiến thức chuyên môn cần thiết. Ban đầu, quan trọng nhất là rèn luyện phong thái làm việc chuyên nghiệp, từ những việc nhỏ như viết mail cho cấp trên, cho đến cách báo cáo hay thỏa thuận với khách hàng. Một thông điệp quan trọng khác dành cho những bạn có hoài bão và tham vọng, nếu các bạn muốn có một vị trí cao hơn người khác, thì hãy làm những điều người khác không làm được. Và đương nhiên, “những điều người khác không làm được” không thể gói gọn bởi tiếng Nhật, mà là những kỹ năng như xây dựng quan hệ, kỹ năng quản lý, phân tích, hoặc những kỹ năng mềm như thuyết trình, thương lượng, thuyết phục,… mà bạn đã dày công rèn luyện trong suốt quá trình làm việc.

Khép lại phần trình bày của mình, anh Trung cô đọng những chia sẻ bằng hai thông điệp chính. Thứ nhất, lên kế hoạch nghề nghiệp và có chiến lược riêng. Hãy tìm cái mà mình thực sự muốn làm, và đừng để cơ hội của bản thân bị hạn chế bởi ngành học hay khả năng ngoại ngữ. Thứ hai, dốc hết sức mình và tận dụng thời gian tuổi trẻ để phát triển nghề nghiệp, luôn luôn  khát khao học hỏi và phát triển hơn, và đôi lúc cũng nên chấp nhận rủi ro, dám làm những việc mới lạ mà người khác cho là ngu ngốc: “Stay hungry! Stay foolish!”

Bài chia sẻ của anh Trung đầy đủ, chi tiết, và đặc biệt ý nghĩa với các bạn trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm. HRnavi chân thành cảm ơn anh đã dành thời gian chuẩn bị và đến góp mặt tại chuyên đề. Với tinh thần làm việc không mệt mỏi, chắc hẳn anh sẽ tạo ra ngày càng nhiều thành tựu trong công việc và cuộc sống.

HRnavi cũng xin cảm ơn các anh chị và các bạn đã đến tham gia và góp ý cho chuyên đề “Tư vấn định hướng nghề nghiệp & Bí quyết thành công tại doanh nghiệp Nhật Bản”. Hy vọng rằng các anh chị và các bạn nắm bắt và vận dụng tốt những thông điệp của anh Trung và phát triển sự nghiệp của bản thân lên tầm cao mới.

Tiếp nối thành công của chuyên đề lần 6, HRnavi sẽ tổ chức chuyên đề lần 7 vào ngày 17/5/2014 với sự góp mặt của chị Nguyễn Nhật Anh Thư – Phó tổng giám đốc Công ty Takako Việt Nam. Chị là một người độc lập, từng trải, giàu kinh nghiệm, nhiều năm giữ cương vị quản lý, chắc hẳn sẽ có góc nhìn mới về hai chữ “thành công”.

Thông tin chi tiết về chuyên đề tiếp theo sẽ được cập nhật trên facebook HRnavi http://facebook.com/hrnavi.channel và website http://hrnavi.com/eng/symposium, các anh chị và các bạn quan tâm cũng có thể liên lạc trực tiếp với HRnavi qua email dinh.dan.nghi@hrnavi.com

Trân trọng,

HRnavi

Q&A

Tiếp nối phần nội dung chính của chuyên đề, HRnavi thu được khá nhiều câu hỏi từ các anh chị và các bạn tham gia. Những câu hỏi này đã được nêu lên và thảo luận. Anh Trung – diễn giả khách mời và anh Phúc – chủ tọa của buổi chuyên đề cũng đưa ra ý kiến của bản thân về những vấn đề trên, nhằm giúp mọi người có được cái nhìn rõ ràng và khách quan hơn về cách làm việc của các doanh nghiệp Nhật Bản.

Làm việc với doanh nghiệp Nhật Bản đồng nghĩa với việc phải đối mặt với những rào cản về ngôn ngữ và văn hóa, vì vậy đôi khi cũng có sự hiểu lầm, dẫn đến mất tín nhiệm lẫn nhau. Vậy phải làm gì để tình huống đáng tiếc đó không xảy ra?

Theo anh Trung, những tình huống như vậy chỉ có thể hạn chế chứ không thể hoàn toàn tránh khỏi. Mấu chốt của vấn đề là cách giải quyết có rõ ràng, gọn gàng chưa, cách thể hiện của bản thân có đủ chân thành chưa? Nếu câu trả lời là có, và một cam kết thay đổi, tránh lặp lại được đưa ra,  những doanh nghiệp Nhật vẫn sẵn sàng bỏ qua và tiếp tục hợp tác. Còn nếu sự việc được giải quyết một cách lửng lơ, với hy vọng sự việc sẽ dần bị lãng quên thì xem như sự tín nhiệm đã thực sự bị đánh mất.

Doanh nghiệp Nhật thường đào tạo nhân viên rất kỹ lưỡng. Vậy có giới hạn nào trong việc đào tạo?

Theo anh Trung, khả năng và mức đào tạo dành cho nhân viên là tùy vào tiềm lực và quy mô của mỗi doanh nghiệp. Còn theo anh Phúc, công tác đào tạo tại doanh nghiệp Nhật vẫn còn chung chung, chủ yếu chú trọng đào tạo về mind-set và on-the-job training. Tuy nhiên, đa phần doanh nghiệp sẽ dựa vào nhu cầu thực tế, nhân viên cấp nào, cần biết thêm kiến thức, kỹ năng gì thì sẽ được đào tạo những mảng đó.

Khi sếp người Nhật và nhân viên có ý kiến khác biệt, sếp luôn quyết định theo ý mình. Tại sao lại như vậy?

Anh Trung nhận xét đây không phải là vấn đề sếp người Nhật hay người Việt, mà là vấn đề trách nhiệm. Khi phải đưa ra quyết định và chịu mọi trách nhiệm, so với một ý tưởng chưa thực sự thuyết phục của nhân viên, thì lãnh đạo có khuynh hướng lựa chọn theo ý mình là hoàn toàn dễ hiểu.

Những người đi trước thường có vị trí cao, những người đi sau dù có năng lực nhưng vẫn không thăng tiến được, có lời khuyên nào trong trường hợp này?

Anh Trung cho rằng chúng ta nên tiếp tục thể hiện và chờ đợi thời cơ dành cho mình. Đến một điểm nút mà vẫn chưa nhận được sự công nhận, thì chúng ta nên đề nghị trực tiếp cho lãnh đạo. Về phần anh Phúc, anh cho rằng chúng ta nên trở thành trợ thủ đắc lực cho lãnh đạo trực tiếp của mình. Dốc sức hỗ trợ cấp trên thăng tiến, bản thân chúng ta cũng có thêm cơ hội được ghi nhận và được đề cử vào vị trí trống do cấp trên để lại.