SYMPOSIUM
Đỗ Thị Hồng Trang
Năm 2005, tốt nghiệp Đại học Kinh Tế Copenhagen (Đan Mạch) và Đại học Ritsumeikan (Kyoto, Nhật Bản) chuyên ngành Quản trị Kinh doanh Quốc tế và Văn hóa và Ngôn ngữ Nhật. Năm 2011, tốt nghiệp Thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) của Đại học Hawaii, Mỹ. Làm tư vấn cho Công ty Aimnext ở Tokyo, và tham gia dự án thành lập Aimnext tại Việt Nam. Từ 2008 trở thành Tổng giám đốc của Aimnext Việt Nam.
BÍ QUYẾT THÀNH CÔNG TẠI DOANH NGHIỆP NHẬT BẢN (Lần 5)

Time: 2014-01-18 09:00:00
Location: Phòng Hội nghị Tập đoàn tư vấn I-Glocal, Tầng 14, Tòa nhà Maritime Bank, 180-192 Nguyễn Công Trứ, Quận 1, TP.HCM


Nhằm chuẩn bị cho một năm mới thuận lợi, đạt nhiều thành quả trong công việc, 40 anh chị và các bạn đã đến tham gia chuyên đề Bí quyết thành công tại doanh nghiệp Nhật Bản – Lần 5, được tổ chức bởi HRnavi vào Thứ bảy, ngày 18/01/2014.
Nguyễn Đình Phúc
Tốt nghiệp Thạc Sĩ Trường Đại Học Kyoto (Nhật Bản). Sau 10 năm học tập và công tác tại Nhật, năm 2006 về Việt Nam công tác tại công ty tư vấn SCS (Việt Nam) Co., Ltd (tiền thân của I-GLOCAL) trên cương vị trưởng đại diện Chi Nhánh Tp. Hồ Chí Minh. Năm 2010, điều hành công ty tư vấn tuyển dụng iGlocal Resource với thương hiệu HRnavi.

Nhằm chuẩn bị cho một năm mới thuận lợi, đạt nhiều thành quả trong công việc, 40 anh chị và các bạn đã đến tham gia chuyên đề Bí quyết thành công tại doanh nghiệp Nhật Bản – Lần 5, được tổ chức bởi HRnavi vào Thứ bảy, ngày 18/01/2014.

Diễn giả của chuyên đề lần này là chị Đỗ Thị Hồng Trang – Tổng giám đốc Công ty TNHH Aimnext Việt Nam. Chị mang đến cho mọi người ấn tượng về một người phụ nữ trẻ, thành đạt, nhiệt tình và tràn đầy năng lượng. Là người làm công tác đào tạo lâu năm, chị đã truyền đạt đến người tham gia chuyên đề thông điệp mạnh mẽ và thiết thực, được đúc kết từ chính quá trình học tập và phấn đấu làm việc của bản thân.

Không nhận mình là người quá thành công, chị cảm thấy hài lòng với những gì mình đang có. Chị cho biết việc đặt ra mục tiêu và sắp xếp kế hoạch trong cuộc sống là vô cùng quan trọng. Nhờ đó, chị tập trung giải quyết được từng vấn đề chính như học hành, công việc, gia đình,… tránh phải chịu áp lực từ nhiều phía cùng một lúc. Điều chị làm cứ như khi ta chơi cờ vậy, đi một nước thì phải tính toán hướng phát triển của 5-6 nước sau đó, càng tính xa thì càng có lợi thế và dễ chiến thắng hơn.

Vạch ra kế hoạch chỉ là khởi đầu cho con đường chinh phục thành công. Quá trình biến suy nghĩ thành hành động mới đóng vai trò quyết định. Để đạt được những điều mình mong muốn, chị Trang đã phải thử mọi cách có thể, và thực tế đã chứng minh, không có gì là không thể. Từng là một sinh viên du học ngành quản tri kinh doanh và văn hóa và ngôn ngữ Nhật tại Copenhagen, chị Trang không có nhiều lợi thế về khả năng tiếng Nhật khi bắt đầu, nhưng bằng ý chí và quyết tâm, chị quyết chí giành được một suất thực tập có hưởng lương ở Nhật. Chị đã gửi hàng trăm hồ sơ xin việc đến nhiều công ty khác nhau, tham gia hầu hết các job fair tổ chức tại thời điểm ấy, liên lạc với các văn phòng hỗ trợ sinh viên,… nỗ lực chị cũng được hồi đáp với lời mời thực tập ở hai công ty Nhật. Càng về sau, những chướng ngại trong cuộc sống của chị càng mang tính thách thức hơn, nhưng trên tinh thần “There is a will, There is a way” chị không bao giờ chấp nhận bỏ cuộc.

Khởi đầu là nhân viên chính thức tại công ty Aimnext Nhật Bản, chị Trang tâm sự mình đã có hai năm khó khăn và “vật vã”. Chị bất đồng ý kiến với cấp trên, không chấp nhận được sự chi ly, tỉ mỉ quá sức của người Nhật, và còn nhiều điều khác nữa. Chị cũng thẳng thắn thừa nhận mình cố gắng vượt qua hai năm này không phải vì sự đam mê, mà là do sự hiếu thắng của tuổi trẻ. Tuy nhiên, chính chị cũng nhận thấy trong thời gian khó khăn đó, chị đã trưởng thành và phát huy khả năng hơn bao giờ hết.

Sau này, được sự tín nhiệm của công ty mẹ và trở thành Tổng giám đốc của Aimnext Việt Nam, chị vẫn truyền tải tư tưởng đó cho nhân viên của mình. Thành viên của Aimnext thường được “cảnh báo” sẽ phải rèn luyện khá chật vật tại công ty. Chị cũng không chấp nhận nhân viên biện giải cho thất bại, mà mong đợi họ phải tư duy hành động để làm việc hiệu quả hơn vào lần sau. Chỉ khi nào làm được điều đó, các nhân viên này mới tạo được sự khác biệt và trở nên thực sự xuất sắc, nổi trội.

Khi đề cập đến chủ đề thế nào là công việc yêu thích và phù hợp, cả khán phòng sôi nổi hẳn lên bởi nhiều ý kiến khác nhau. Chị Trang cho biết để xác định được công việc yêu thích và phù hợp, cần xem xét đến ba khía cạnh sau:

  1. Khi chúng ta làm tốt và cảm thấy hài lòng, muốn tiếp tục phát huy trong công việc, thì đó chính là công việc chúng ta yêu thích và phù hợp.

  2. Khi chúng ta làm tốt, nhưng lại không tìm thấy niềm vui và không muốn gắn bó lâu dài, thì đó là công việc chúng ta không thực sự say mê.

  3. Khi chưa làm tốt, chúng ta chẳng thể khẳng định được gì nhiều. Tâm lý chán nản, mệt mỏi chúng ta cảm nhận, có lẽ là do muốn chạy trốn hoặc ngại khó.

Từ suy nghĩ trên, chị Trang cho rằng chúng ta nên có ít nhất là hai năm thử thách với mỗi công việc. Khi đã phấn đấu hết mình, đương đầu với nhiều thất bại thì chúng ta mới có thể khẳng định mình có yêu nghề và thích hợp với hay nghề không.

Phần trình bày của chị Trang giúp mọi người nhận ra, rằng để thành công trong sự nghiệp, chúng ta cần một công việc mà ta say mê, cộng với tâm lý không ngại khó ngại khổ, sẵn sàng học hỏi và sửa đổi. Khi tập hợp đủ các yếu tố trên, là lúc ta đã sẵn sàng hành lý cho công cuộc chinh phục đỉnh cao nghề nghiệp. Mong rằng sau khi tham dự chuyên đề, mỗi người sẽ có nhiều thay đổi tích cực trong suy nghĩ và hành động, và có một năm 2014 “Mã đáo thành công”.

HRnavi chân thành cảm ơn sự quan tâm của các anh chị và các bạn, đặc biệt xin cảm ơn chị Trang đã dành thời gian đến để cùng chia sẻ. Hẹn gặp lại các anh chị và các bạn vào chuyên đề Bí quyết thành công tại doanh nghiệp Nhật Bản – Lần 6, tổ chức vào ngày 22/03/2014 sắp tới.

HRnavi

Q&A

Thứ bảy 18/01/2014 vừa qua, hơn 40 anh chị và các bạn đã dành thời gian đến lắng nghe chia sẻ của chị Trang – Tổng giám đốc Công ty TNHH Aimnext Việt Nam – về chủ đề “Bí quyết thành công tại doanh nghiệp Nhật Bản”. Nhân dịp này, anh chị và các bạn cũng nêu lên những thắc mắc của bản thân về công việc và văn hóa doanh nghiệp Nhật với mong muốn nhận được ý kiến của chị Trang để có cách ứng xử thích hợp.

1. Khoảng thời gian đầu làm việc luôn khá mệt mỏi và nặng nề. Vậy làm như thế nào để vượt qua sự chán chường để gắn bó lâu dài với công việc?

Đáp án của chị Trang khiến mọi người vô cùng ngạc nhiên: “Sự hiếu thắng”. Chị cảm thấy nếu vì khó khăn ban đầu mà từ bỏ công việc thì quá dễ dàng, vì chuyện không chịu nổi áp lực, không hợp với sếp, chẳng phải tự mình thừa nhận rằng mình chưa đủ năng lực làm việc hay sao? Do đó chị đã cố gắng hết mình với suy nghĩ “Phải giải quyết hết những khó khăn đã, nếu vẫn cảm thấy không hợp thì sẽ ra đi trong ‘vinh quang’”.

Tuy nhiên, đó là trường hợp của riêng chị. Nhìn ở khía cạnh khách quan hơn, chị Trang cho rằng để gắn bó với công việc, bản thân mỗi người cần có một chút đam mê ngay từ ban đầu. Sau đó là sự chuẩn bị về tâm lý. Chính doanh nghiệp cũng nên cho nhân viên biết trước những khó khăn có thể gặp phải, để họ không bỡ ngỡ và dễ buông tay khi công việc không thuận lợi.

 

2. Người Nhật thường phân biệt công tư quá rạch ròi, đôi khi quá cứng nhắc dẫn đến kém hiệu quả. Vậy phải làm sao để có thể thuyết phục họ giải quyết theo hướng hài hòa lợi ích các bên?

Chị Trang cho biết phân biệt công tư là một trong những điểm trưng của người Nhật. Trong khi người Việt thường suy nghĩ theo hướng làm thế này thì lợi cho mình, mà công ty cũng không bị tổn thất gì, nên luôn muốn kết hợp, hoặc hy sinh chút việc công ty để đáp ứng lợi ích cá nhân. Dĩ nhiên là người Nhật không chấp nhận điều đó, dù có chấp nhận họ cũng có nhiều khúc mắc, hoài nghi.

Để thành công ở công ty Nhật, chúng ta đôi lúc phải hy sinh ít nhiều lợi ích của bản thân, đổi lại chúng ta sẽ có sự tín nhiệm của cấp trên và nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp hơn trong tương lai.

 

3. Biết tiếng Nhật là một lợi thế khi làm việc cho doanh nghiệp Nhật, nhưng cũng cần có một nghề chuyên môn?

Đồng ý với suy nghĩ này, chị Trang cho rằng tiếng Nhật cũng chỉ là một công cụ. Trừ khi bạn muốn gắn bó với ngành nghề biên phiên dịch, ngôn ngữ mới là chuyên môn. Nhưng như vậy không có nghĩa là chúng ta nhất định phải ôm đồm học 2-3 ngành, mà có thể tự học và phát triển kĩ năng trong quá trình làm việc.

Chủ tọa của buổi chuyên đề, anh Nguyễn Đình Phúc – Lãnh đạo HRnavi, cũng đóng góp ý kiến cá nhân về chủ đề này. Anh đồng ý rằng ngôn ngữ là một công cụ, tuy nhiên công cụ sắc bén cũng có lợi điểm riêng của nó. Vì vậy thay vì học thật nhiều và lấy đủ loại bằng cấp có khi chỉ là nửa vời, hãy rèn luyện khả năng mà mình cho là sắc bén nhất và xây dựng thêm mạng lưới quan hệ xã hội, vì nó sẽ trở thành khoản đầu tư thiết thực và giá trị cho sự nghiệp về sau.